Khó lựa chọn được nhà đầu tư
Trước đó, dự án Khu phức hợp nghỉ dưỡng giải trí cao cấp có casino tại Khu kinh tế Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh được Trung ương chấp thuận chủ trương kinh doanh casino.
Dự án được triển khai trên diện tích 2.535,92ha tại xã Vạn Yên, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Tổng mức vốn đầu tư ban đầu được công bố là 47.482 tỷ đồng.
Được Bộ Chính trị cho phép triển khai từ 2013 nhưng đến nay đã 10 năm, dự án vẫn chưa được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư. Hồ sơ đề xuất dự án đã điều chỉnh giảm tổng vốn đầu tư từ 47.482 xuống 46.595 tỷ đồng, giảm quy mô sử dụng đất từ 2.535,92 xuống 445,84ha.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Ninh, các nguyên nhân khiến dự án không thể triển khai là do phải thực hiện điều chỉnh quy hoạch nhiều lần; khu vực dự án có vị trí trọng yếu và có địa hình phức tạp (nhiều rừng, có khu vực biển, khu vực dự trữ khoáng sản…). Việc lập hồ sơ dự án phải xem xét việc đáp ứng đầy đủ các quy định liên quan đến chuyển mục đích đất rừng, đất lúa, đất quốc phòng, đường triều kiệt, khu vực dự trữ khoáng sản.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, khu vực dự kiến đầu tư casino Vân Đồn thuộc địa bàn có điều kiện KTXH khó khăn, hạ tầng kỹ thuật chưa đầy đủ, đồng bộ; nên việc kêu gọi, thu hút nhà đầu tư phải xem xét thận trọng để đảm bảo năng lực triển khai thực hiện dự án.
Từ 2018, UBND Quảng Ninh đề xuất giao cho nhà đầu tư tư nhân tham gia xây dựng theo hình thức đối tác công – tư (BOT). Tuy nhiên, trường hợp nhà đầu tư tư nhân vừa phải đầu tư cơ sở hạ tầng, vừa phải đầu tư dự án khu phức hợp có casino thì chi phí đầu tư và cần lượng vốn rất lớn; nên cần cân nhắc kỹ lưỡng trong việc đề xuất dự án.
Cũng theo Bộ Tài chính, do các vướng mắc nêu trên, dự án đến nay chưa được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, chưa lựa chọn được nhà đầu tư. “UBND Quảng Ninh đang rà soát tổng thể ranh giới, phạm vi, tính chất khu vực để làm cơ sở đề xuất quy hoạch của dự án, dự kiến trong thời gian tới sẽ trình Bộ KH&ĐT thẩm định để báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Sau khi có chủ trương đầu tư dự án, Quảng Ninh sẽ tổ chức lựa chọn nhà đầu tư để triển khai theo đúng quy định pháp luật”, theo Bộ Tài chính.
Giải pháp nào tháo gỡ vướng mắc?
Qua quá trình triển khai hoạt động kinh doanh casino trong cả nước thời gian qua, Bộ Tài chính nhận thấy, ở dự án Vân Đồn đến nay vẫn chưa triển khai được do nhiều nguyên nhân, trong đó có vướng mắc liên quan chuyển đổi mục đích sử dụng đất và cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện.
Theo Bộ Tài chính, nếu nhà đầu tư vừa phải đầu tư dự án cơ sở hạ tầng để kết nối tới dự án, vừa phải đáp ứng điều kiện để được cấp phép kinh doanh casino, thì cần lượng vốn lớn. Trong khi đó, vốn đầu tư vào dự án cơ sở hạ tầng không được tính vào tổng vốn đầu tư khi xem xét điều kiện về giải ngân vốn đầu tư dự án có casino (quy định là phải giải ngân tối thiểu 50% tổng vốn đầu tư). Do vậy, dự án gặp khó khăn trong thu hút nhà đầu tư.
Bộ Tài chính kiến nghị, với dự án casino như Vân Đồn, để tạo điều kiện cho nhà đầu tư trong nước tham gia vào dự án có casino, nên cho phép bổ sung quy định trường hợp DN kinh doanh casino góp vốn vào các dự án cơ sở hạ tầng trên địa bàn thì được tính vào mức vốn giải ngân cho dự án casino để xác định việc đáp ứng điều kiện giải ngân 50% tổng vốn đầu tư dự án.
Trước đề xuất của Bộ Tài chính, cũng có ý kiến đề nghị rà soát sự phù hợp với pháp luật hiện hành với yêu cầu DN kinh doanh casino khi góp vốn vào dự án cơ sở hạ tầng không được chuyển nhượng phần vốn góp vào dự án cơ sở hạ tầng cho đến khi đã giải ngân vào dự án kinh doanh casino 50% tổng vốn đầu tư (tương đương 1 tỷ USD).
Được biết, tại cuộc họp hồi giữa năm 2022, các Bộ KH&ĐT, Tư pháp, Công an, VH,TT&DL cho rằng quy định này là cần thiết để tăng trách nhiệm của DN kinh doanh casino khi tham gia vào dự án cơ sở hạ tầng, phù hợp thẩm quyền của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh (sau khi được Bộ Chính trị chấp thuận về chủ trương) theo Luật Đầu tư, Luật DN.
Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng, DN đầu tư cơ sở hạ tầng đã được hưởng ưu đãi về đất đai và một số ưu đãi khác, nay cho phép tính vào tỷ lệ giải ngân để cho hoạt động kinh doanh casino, có phải “ưu đãi chồng ưu đãi” hay không?
Bộ Tài chính cho rằng: DN thực hiện dự án cơ sở hạ tầng theo phương thức đối tác công – tư (PPP) phải tuân thủ quy định của hợp đồng dự án. Nếu hợp đồng dự án có ưu đãi (về đất đai hoặc ưu đãi khác), DN sẽ được hưởng các ưu đãi này để thực hiện dự án PPP. Còn để kinh doanh casino, DN phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định.
Bộ Tài chính cũng thông tin, trên cơ sở đề nghị của UBND Quảng Ninh, Bộ Tài chính đã lấy ý kiến các bộ, ngành và thống nhất trình Ban Cán sự Đảng Chính phủ để báo cáo Bộ Chính trị cho phép bổ sung quy định theo đề xuất nói trên. Trường hợp được Bộ Chính trị cho phép, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định hướng dẫn áp dụng cơ chế chung với tất cả DN thực hiện dự án có casino và cơ chế này sẽ không phải là cơ chế ưu đãi PPP.
Theo Pháp Luật Việt Nam